CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC VỀ CHỦ QUYỀN BIÊN GIỚI QUỐC GIA
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Giáo dục về chủ quyền biên giới quốc gia cho học sinh: Thiết thực, ý nghĩa.
Thực hiện: Thân Thị Hà
Hoạt động giáo dục về chủ quyền biên giới quốc gia cho học sinh là một hoạt động thường niên ở trường THCS Cao Bá Quát. Vừa qua, hơn 20 học sinh của nhà trường đã được tổ chức tham gia hoạt động giáo dục tập trung môn HĐTNHN, Giáo dục địa phương với chuyên đề “Bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn xã Đăk Wil”. Các em đã được đến tham quan đồn biên phòng Nậm Na – là đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn xã Đăk Wil. Trong thời gian hơn 5 giờ đồng hồ, các em học sinh được tiếp thu những kiến thức về quá trình hình thành và xác định giới hạn lãnh thổ đất liền giữa xã Đăk Wil (Việt Nam) với tỉnh MunDunKiri (Vương quốc Campuchia); vai trò của việc xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh; chủ trương, chính sách xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia của tỉnh Đăk Nông.
Thầy Huỳnh Quốc Tú cho biết: “Bên cạnh truyền đạt kiến thức, chúng tôi còn lồng ghép nhiều gói câu hỏi liên quan đến nội dung bài học để các em nghiên cứu, trả lời nhằm tăng cường tính tương tác, tạo không khí sôi nổi cho buổi học; đồng thời, qua đó đánh giá được mức độ chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của học sinh về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”.
Em Bàn Ngọc Chi (lớp 9A4) hào hứng nói: “Bài học rất thiết thực, bổ ích. Em và các bạn đã tích lũy thêm nhiều kiến thức về quốc phòng-an ninh, vị trí chiến lược của tỉnh; về đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, đoạn qua tỉnh Đăk Nông; công tác phân giới, cắm mốc; những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh… Qua bài học, em cũng tự nhận thấy rằng mình cần phải có ý thức trách nhiệm nhiều hơn nữa để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc”.
Đứng chân trên địa bàn xã biên giới Đăk Wil (huyện Cư Jút), Trường THCS Cao Bá Quát đặc biệt chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Sơn, nhà trường đã phối hợp với Đồn Biên phòng Nậm Na, Đăk Ken tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp tại trường, đưa học sinh đi tham quan cột mốc biên giới; đồng thời, chỉ đạo giáo viên lồng ghép giáo dục trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa và trong các bài học của môn Giáo dục công dân.
“Thông qua các hoạt động này, nhận thức của học sinh đã có sự chuyển biến rõ nét. Đa số các em có tinh thần chung tay bảo vệ vùng phên giậu của Tổ quốc; biết cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong tình hình mới; bản thân và gia đình không xâm nhập biên giới trái phép, không xâm canh sang địa bàn của nước bạn Campuchia và không đi lại tự do ở khu vực biên giới…”. Thầy Bùi Tôn Sơn Phó hiệu trưởng nhìn nhận.
Tương tự, giáo dục chính trị-tư tưởng nói chung và giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về chủ quyền biên giới quốc gia nói riêng, trong đó có biên giới giữa tỉnh Đăk Nông với Campuchia cũng là một trong những nhiệm vụ được Trường THCS Cao Bá Quát (Xã Đăk Wil) chú trọng. Thầy Đậu Văn Chánh – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Những năm qua, nhà trường đã triển khai nội dung giáo dục trên thông qua nhiều hình thức.
Cụ thể: tuyên truyền, giáo dục cho học sinh thông qua các hoạt động chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi đoàn; đăng (chia sẻ link) tin, bài, ảnh trên các trang mạng xã hội của Liên đội (Zalo, Facebook); thực hiện các tiết dạy học chính khóa đối với bộ môn Giáo dục công dân, Giáo dục địa phương tỉnh Đăk Nông tất cả các khối lớp; tích hợp nội dung giáo dục Biên giới vào các tiết học đối với các môn có nội dung, kiến thức liên quan như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Kinh tế và Pháp luật…
Song song với đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm, ngoại khóa, các cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền về bảo vệ biên giới quê hương cho thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện.
Một số hình ảnh của hoạt động