THẦM LẶNG

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

                                                          THẦM  LẶNG

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng

Gian khổ biết dành phần ai.

Câu hát nhẹ nhàng mà du dương, giản dị mà triết lí sâu xa. Càng ngâm nga câu hát, tôi càng nhớ đến một người đồng nghiệp. Ồ, nói là nhớ nhưng thật ra lại rất gần, rất thường và hầu như ngày nào tôi cũng gặp. Thân quen, hòa đồng, trách nhiệm và có phần cương nghị, bộc trực là những nét mà hễ ai đã gặp đều nhận ra điều đó ở người thầy giáo Nguyễn Hùng.

Sinh ra ở vùng quê nghèo Quảng Trị, cái nắng gió và cát trắng hằn lên cả quyết tâm ra đi tìm kế mưu sinh. Và bến đỗ cuối cùng của thầy chính là vùng đất xa xôi nhất, vùng đất đặc biệt khó khăn: xã biên giới Đăk Wil, tỉnh Đăk Nông. Hơn 70% dân số của xã là người đồng bào thiểu số. Điều đó đồng nghĩa với tất cả thầy cô trường Cao Bá Quát phải đối mặt với vấn đề vô cùng nan giải đó là học sinh nghỉ học nhiều vì phải lao động kiếm sống, vì tảo hôn… và vì những lí do khác nữa. Địa bàn xã rộng, điều kiện đi lại khó khăn, phải làm gì dể hạn chế học sinh nghỉ học đây. Bởi các em nghỉ học mà chúng tôi không hiểu, không giải thích nổi: học khá cũng nghỉ học, gia đình khá giả cũng nghỉ học… Hành trình đi “thăm” gia đình học sinh đã được thầy cô trường Cao Bá Quát xúc tiến. Những thôn xa nhất, khó đến nhất như thôn 18, thôn Đồi Mây, thôn Ba Tầng… đều in đậm bước chân thầy giáo Nguyễn Hùng.n Hùng

 

Xã hội ngày càng phát triển, cám dỗ của vật chất, của những thú vui tiêu khiển đã lôi kéo một số học sinh sa ngã. Các em đã nói dối cha mẹ, nói dối thầy cô để lao vào quán game, vào những trò chơi không dành cho các em. Các em đã làm cho thầy cô đau lòng, còn cha mẹ các em thì “Chúng tôi bận đi làm đồng cả, trăm sự nhờ thầy nhờ cô”. Sự gửi gắm thật thà và có phần thoái thác ấy đã đau đáu tâm can thầy giáo Nguyễn Hùng. Thầy lại tiếp tục đến từng nhà học sinh nhưng tiếc thay, thầy đã đến mà cửa nhà im ỉm khóa. Thầy chợt nghĩ ra và rong ruổi xe đến những quán nét, đến những tụ điểm vui chơi mong gặp được đứa học trò của mình để đưa em về lớp cho cha mẹ em yên lòng. Những khó khăn thách thức trong việc vận động học sinh ra lớp hay trong công tác chủ nhiệm luôn để lại dấu ấn tốt đẹp của thầy Hùng. Những lớp cá biệt nhất dưới bàn tay dẫn dắt của thầy đã trở thành lớp ngoan được tuyên dương, những học trò quậy nhất khi được thầy Hùng tâm sự động viên đã trở thành

những học sinh nghe lời và chăm đến lớp. Tất cả những điều tưởng chừng như dễ dàng ấy đã được thầy Hùng lặng lẽ làm việc một cách tích cực đầy trách nhiệm và chan chứa tình yêu thương.

 

 

Chính sự kỷ cương, tình thương, trách nhiệm đã hun đúc nên bản lĩnh người thầy, đã giúp thầy có được thành công nhất định. Ngành giáo dục cũng như phòng văn hóa thông tin huyện nhà đều biết trường Cao Bá Quát có truyền thống về tinh thần doàn kết và thành tích thể thao. Mấy năm liền trường Cao Bá Quát đã làm nên thương hiệu: tốp ba Hội khỏe Phù Đổng, quán quân giải Việt dã do Sacombank tổ chức. Có được thành tích đó là nhờ vào sự quyết tâm của thầy và trò nhà trường, trong đó chắc chắn ai cũng biết công sức của thầy Hùng rất lớn.

Chẳng biết từ bao giờ, cả ngôi trường Cao Bá Quát đã có một niềm tin nơi thầy. Có công việc được cấp trên giao phó, có công việc tự thầy đảm trách luôn được hoàn thành tốt và đạt kết quả cao. Điều này chẳng ai nói ra, chẳng công trạng khen thưởng rùm beng nhưng có lẽ ai cũng biết, ai cũng thừa nhận.

Tôi xa quê vào đây lập nghiệp, không bà con thân thích, không nhà cửa đất đai, chỉ có tấm bằng sư phạm trong tay, lấy học sinh và đồng nghiệp làm nơi nương tựa…”. Lời tâm sự của thầy Hùng cách đây đã hai năm, thầy không nói với tôi, tôi chỉ nghe được trong một cuộc trò chuyện của thầy với các đồng nghiệp nam. Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà tôi cứ nhớ mãi những lời chân thành ấy của thầy. Càng nghe tôi càng ngẫm, càng ngẫm tôi càng đồng cảm với thầy. Chúng tôi, những người con xa quê đến lập nghiệp ở miền đất xa xôi, nỗi nhớ nhà nhớ quê cùng với những trăn trở của cuộc sống mưu sinh đôi lúc làm chúng tôi chùn bước. Nhưng rồi tiếng gọi của em thơ, lời gửi gắm của phụ huynh hôm  nào “Trăm sự nhờ thầy nhờ cô” lại thôi thúc chúng tôi quyết tâm sống, quyết tâm làm việc để đưa cái sáng, cái chữ… về nơi biên giới này.

Tiếp bước truyền thống tương thân tương ái, tinh thần đoàn kết, thầy Hùng là người luôn đi đầu trong các phong trào, hô hào, khích lệ, động viên học sinh đồng nghiệp cùng chung tay. Ai đứng nhìn, thấy thầy Hùng làm cũng ngại phải làm theo. Ai không ủng hộ thấy thầy Hùng nhiệt tình chẳng thể ngồi im. Cái tâm, cái say, cái đồng cảm sẻ chia là điều mà những người nhà giáo như chúng ta rất cần. Ở thầy Hùng, càng đáng quý hơn những điều đó cứ diễn ra âm thầm lặng lẽ. Để rồi kết quả cuối cùng là sự quý mến cảm phục và sự tin yêu của học sinh, của đồng nghiệp, của nhân dân. Bao nhiêu lần đi hiến máu nhân đạo là bấy nhiêu lần thầy Hùng càng thấm thía hơn tinh thần nhân đạo nhân văn cao cả.Trong lúc nguy kịch nhất của một sinh linh thì những giọt máu nhỏ bé kia sẽ làm cho tim ai nóng lại, làm cho cuộc sống của ai đó nhoẻn nụ cười rạng rỡ. Trưởng khu tập thể, ủy viên Ban chấp hành công đoàn kiêm phụ trách mảng phong trào, rồi trưởng ban thanh tra nhân dân… Những chức vụ khó gọi thành tên, những công việc không chút thù lao nhưng dù ở đâu, ở bất cứ công việc  nào thầy Hùng cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Để rồi niềm tin nối tiếp niềm tin, uy tín ngày càng nhân rộng, sự tin yêu của Ban giám hiệu, của đồng nghiệp, của học sinh ngày càng bền vững. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để làm động lực cho thầy Nguyễn Hùng thêm chắc tay lái đưa con đò tình thương cập bến an toàn.

NHUNG2

 

 

 

 

 

 

Hoa dã quỳ bên đồi đã héo tàn, nhường cho mùa cà phê đỏ chín, báo hiều một ngày mùa bội thu, cuộc sống của nhân dân xã Đăk Wil đang dần được cải thiện, đã xuất hiện những nóc nhà tầng, những chiếc xe tay ga chạy lướt trên đường. Trong dòng đời hối hả tấp nập ấy thầy và trò trường Cao Bá Quát đang cố gắng chuyển mình để trở thành

Trường chuẩn quốc gia. Với đặc trưng của xã vùng biên giới thì duy trì được tỉ lệ học sinh nghỉ học thấp thực sự là vấn đề nan giải.  Nan giải đó, thách thức đó nhưng chúng ta đã có những kỹ sư tâm hồn,

những sự miệt mài làm việc thầm lặng như thầy Hùng hẳn chúng ta sẽ đạt được kết quả như mong muốn.

Vô công, vô kỷ, vô danh((2))”  có lẽ không phải là cách nghĩ hay là quan

niệm sống của thầy giáo Nguyễn Hùng và của cả chúng tôi nữa. Nhưng những gì thầy Nguyễn Hùng đã và đang sống, đang làm việc thật sự để lại ấn tượng đẹp trong lòng học sinh, trong lòng người dân biên giới Đăk Wil. Rồi mai đây, lớp lớp học sinh sẽ cất cánh bay xa. Và tôi, biết đâu cũng chuyển về nơi khác công tác hẳn sẽ không thể quên người đồng nghiệp nhiệt tình, có trách nhiệm cao trong nghề. Chẳng điều gì vui hơn khi phần thưởng cao quý đến với thầy Nguyễn Hùng: năm 2012 thầy đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, năm 2013 thầy vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, năm 2014 thầy được nâng  lương trước thời hạn. Chính các em học sinh thân yêu là nguồn động lực để thầy Nguyễn Hùng liên tiếp đạt danh hiệu Lao động tiên tiến Xuất sắc các năm học tiếp theo. Niềm vui nối tiếp niềm vui nhưng thầy vẫn không quên sứ mệnh của mình. Trên con đường đất đỏ ba zan trải dài đến tận các buôn làng, sau những lớp bụi tung mù mịt của cái nắng gay gắt sau cơn mưa; hình ảnh người thầy giáo giản dị vẫn thầm lặng trên con đường trồng người cao đẹp của mình.

Trong nắng sớm mùa thu, cái gió heo may se se lạnh, tôi giáp mặt người đồng nghiệp đáng mến trong hành lang lớp học, anh đang rảo bước đi vào lớp. Còn tôi, vừa đi lên văn phòng vừa nhâm nhi câu hát :

“Chân lí thuộc về mọi người(3).

                                      Không chịu sống đời nhỏ nhoi.

                                      Xin hát về bạn bè tôi.

                                      Những người sống vì mọi người.”

Bài viết về Tấm gương nhà giáo Trường THCS Cao Bá Quát, Đăk Wil, Cư Jút, Đăk Nông
Tác phẩm đạt giải ba cuộc thi viết vêt tấm gương nhà giáo của Công đoàn Sở giáo dục tỉnh Đăk Nông năm 2017.

                                                                               Tác giả: Cao Thị Hương

 

 

 

 

Chú thích:

(1) và (3) là lời trong bài hát “Một đời người

một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

(2): Tư tưởng của người theo đạo Phật.

Vô công:  không quan tâm đến công trạng

Vô kỷ:  không quan tâm đến lợi ích của riêng mình

Vô danh: không màng đến tiếng tăm danh vọng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI CHIA LỬA

(thân tặng quý thầy cô khuyến học –  những người đã truyền lửa cho  các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tự tin đến lớp)

Đến lớp chưa em?

Mẹ đang gượng với bàn tay tật nguyền

Cha đang gắng với nụ cười gấp gáp

Ôi ngả đường bỏng rát

Đã gợn màu sạn cát lấm lem!

 

Góc lớp, yên xe, cuốn vở…

Sắp bỏ dở bởi khó gọi thành tên

Trống trường rồi sao em vẫn chưa lên

Phải chăng tự tin trong em luôn bé nhỏ

Góc lớp sân trường còn để ngỏ mong em!

Ở nơi ấy .

Người chia lửa ngày ngày

Tiếp bước chân em hăng say vững chãi

Em – người con của làng luôn sợ hãi

Người chia lửa đến rồi, còn sợ nữa không em!

 

Chỗ ngồi kia!

Bỗng hóa lạ thành quen

Em đã đến sáng bừng cả góc lớp

Người chia lửa trao yêu thương ấm áp

Cha mẹ cười rồi đâu còn những lấm lem!

Bộ đội biên phòng nâng bước chân em tới trường

 

 

Người viết: Cao Thị Hương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HOA MIỀN BIÊN GIỚI

(Tản văn)

 

Vào một ngày của mùa xuân năm 2009, tôi tất tả vừa đi vừa hỏi đường vào trường cấp 2 xã Đăk Wil để nhận công tác. Xã biên giới, ui dào, đầu óc tôi cứ mường tượng ra bao “viễn cảnh” khó khăn: nào là đường xa, nào là dân tộc thiểu số, rồi dân trí thấp, dân tứ xứ…nhưng có lẽ ấn tượng nhất là cái tin đồn “gần campuchia, Pôn Pốt, phun rô, sốt rét”.

Tôi đang mông lung trên chiếc Dream pha chút lăn tăn, nhưng ô kìa, cánh đồng xanh mát bắt đầu hiện ra: bắp, tiêu, cà phê, đậu nành…sao mà non tươi trù phú. Cái cảm giác về sự lăn tăn kia đã nguôi dần trong tôi. Một xã vùng biên giới với hơn 80% dân số là đồng bào, địa bàn rộng, đường sá đang trong mùa hình thành, trình độ dân trí không đồng đều, những cái tên thôn như Đồi mây, Buôn Knhă, Hà Thông…đang nổi cộm với việc học sinh nghỉ học nhiều: những tên học sinh nghe cũng thật hấp dẫn: Triệu Dào Phin, Bàn Mùi Nhẩy, Lý Sào Coi, Y Knul Bkrông…tôi đọc đến nghịu cả lưỡi.

Nay, trên con đường phấn đấu để trở thành xã Nông thôn mới, bà con cùng tập thể công nhân viên chức xã nhà đang cố gắng từng ngày hoàn thiện những tiêu chí, nan giải nhất có lẽ là vấn đề giao thông nông thôn. Cũng vì ảnh hưởng của một xã vùng biên, lại vừa thoát nghèo nên vấn đề đóng góp của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Không sao, với những cố gắng, bà con xã Đăk Wil không nản lòng, tiêu chí an sinh như y tế, giáo dục và thoát nghèo là những tiêu chí khó khăn đến vậy cũng đã được bà con ta hoàn thành xuất sắc thì vấn đề giao thông có là gì? Có niềm tin sẽ có tất cả, bà con tin vào ý chí lao động của mình, tin vào sự quan tâm động viên của chính quyền các cấp, tin vào tinh thần kề vai sát cánh của tập thể cán bộ công nhân viên chức….sẽ nguyện đồng lòng vượt qua tất cả.

. Hoa Miền Biên Giới đã ngày càng đượm sắc, trường học khang trang, đường sá xanh sạch đẹp, những mầm xanh đang dần đơm hoa kết trái, trình độ dân trí được nâng cao, hộ nghèo giảm nhiều, phúc lợi an sinh và phổ cập giáo dục đảm bảo. Con đường trải dài bê tông đã dần thay thế cho đường đất, những ngôi nhà mái thái bắt đầu vươn cao, một thứ mùi thơm là lạ thoang thoảng mỗi sớm như níu chân người đi kẻ ở. Phải chăng đó là mùi thơm hơi nồng của hoa cà phê, mùi thơm dịu ngọt của quả điều hòa lẫn với vẻ hoang dã của hoa ban miền biên giới

Thế rồi, thấm thoắt đã 10 năm, mảnh đất làm tôi lăn tăn ngày nào giờ đã có những bông hoa hé nụ trên vườn ươm Biên Giới. Hoa của trời, hoa của núi rừng hay hoa của lòng người. Và tôi biết một điều chắc chắn rằn “Hoa của lòng người” nở ở miền biên giới thì bao giờ cũng rực rỡ và tỏa hương thơm bay xa.

 

 

 

Cao Thị Hương

Giáo viên Ngữ Văn, trường THCS Cao Bá quát

Đăk Wil – Cư Jút